Kim Cao Image
2020-08-18 17:57:15

Thiền sư Mã Tổ – Ðạo Nhất


Cuộc đời và pháp môn Mã Tổ


Sư họ Mã, sanh năm 709 tại Hán Châu gần biên giới Tây Tạng. Từ hồi còn nhỏ sư đã xuất gia với hòa thượng Đường (Ch’u-chi) (665-732), hòa thượng Đường vốn là đệ tử của (Chih-shen) (609-702) nguyên là một đệ tử của Ngũ tổ Hoàng Nhẫn. Trong một tài liệu Tông Mật (Tsung-mi) có ghi là Mã Tổ theo học hòa thượng Kim có pháp danh là (Wu-hsiang), người Đại Hàn (684-762) mà cũng là đệ tử của hòa thượng Đường. Hai hòa thượng Đường và Kim đều là những vị Thiền sư nổi tiếng thời đó. Hòa thượng Kim dạy pháp 3 câu là: không nhớ (no-remembering), không nghĩ (no-thought), không quên (no-forgetting) liên quan tới giới, định, huệ của các kinh Phật. Mục đích của “ba không” là không nhớ những quá khứ, không lo nghĩ về tương lai để chuyên chú tu tập. Do đó nên tác giả Cheng Chien cho rằng có lẽ Mã Tổ chịu nhiều ảnh hưởng của phái thiền Tứ Xuyên của hoà thượng Kim hơn là của thiền sư Hoài Nhượng sau này.

Năm 738 Mã Tổ thọ giới tỳ kheo với luật sư Viên ở Du Châu và sau đó đã dời Tứ Xuyên đến vùng Trung của Trung Hoa. Khoảng năm 738 đến 742 sư tới Hoành Nhạc ? (Heng-yueh) và chuyên tu thiền định theo thiền Bắc phái, vì sư thường hay nhắc tới kinh Lăng Già vốn được áp dụng tại Bắc phái, thay vì theo kinh Kim Cang thường được nhắc tới tại Nam phái. Vấn đề đó không được ghi rõ ràng lắm.

Khi ở Hoành Nhạc thì Mã tổ có gặp và theo học thiền sư Hoài Nhượng trong 10 năm. Sau khi rời Hoài Nhượng khoảng năm 750 thì sư du phương để tiếp tục tu tập và giáo hóa. Đó là thời mà Trung Hoa có nhiều xáo trộn trong xã hội vì có loạn An Lộc Sơn và nhà Đường bắt đầu suy đồi. Vào khoảng năm 776-779 Mã Tổ đến Kiến Dương, kế dời đến núi Cung Đông Nam Dương cho đến khi sư tịch năm 788. Tại đó học giả các nơi tụ hội về rất đông. Số đệ tử ngộ đạo lên đến 139 người – có tài liệu ghi 84 người – hơn tất cả những thiền sư khác.

Dòng thiền của Mã Tổ sau này được gọi là phái Hồng Châu, là nơi mà Mã Tổ và các đệ tử truyền bá. Pháp môn này được các đệ tử truyền bá khắp Trung Hoa trong thế kỷ thứ 9. Mã Tổ cùng với Thạch Đầu Hy Thiên thời đó là hai vị đã đem lại cho Thiền tông Trung Hoa sự phát triển lớn mạnh đời Đường.

Mối liên quan giữa Mã Tổ và Thạch Đầu rất là đặc biệt. Không có tài liệu nào ghi việc gặp mặt của hai vị đó nhưng họ rất quý trọng nhau. Nhiều tăng đã theo học cả hai vị. Nhiều khi vị này lại giới thiệu đệ tử của mình qua tham vấn vị kia. Có thể nói là Thiền tông đã bước qua giai đoạn mới trong giai đoạn này, có tính cách cởi mở và trực tiếp. Những phương pháp giảng dạy như quát, đánh, những câu hỏi như bí hiểm là do ảnh hưởng của Mã Tổ. Có thể nói rằng kể từ thế kỷ thứ chín cho đến nay các vị đại thiền sư đều là đệ tử tinh thần của Mã Tổ và Thạch Đầu.

Căn bản của pháp môn Mã Tổ là thuyết Như Lai Tạng (tathagatagarbha). Thuyết này đã được nêu lên trong nhiều kinh điển, đặc biệt là kinh Hoa Nghiêm, phẩm Như Lai Xuất Hiện. Thuyết Như Lai Tạng cũng có được nói đến trong kinh Lăng Già.

Theo thuyết Như Lai Tạng thì tất cả các chúng sinh đều có Chân Tâm (True Mind) mà vốn xưa nay sáng suốt, thanh tịnh nhưng thường bị vọng tưởng che lấp. Tuy cái Chân Tâm hoặc Phật tánh (Buddha nature) đó ngoài sự nghĩ lường và không có dấu vết gì, nhưng tùy duyên có thể biểu hiện thành mọi thứ. Cái đặc tính năng động đó của Chân Tâm rất là quan trọng đối với Mã Tổ vì sư cho rằng việc chứng ngộ là do nhận được những biểu hiện đó. Đạo không phải là những nguyên tắc siêu hình trừu tượng, mà những lời nói, ý nghĩ và hành động của mình đều là sự biểu hiện của Chân Tâm. Sự thật thưòng có mặt trong tất cả mọi thứ – là tất cả mọi thứ – mọi thứ đây có nghĩa là mọi pháp, chỉ vì chúng ta chìm đắm trong si mê nên không nhận ra điều đó.

Chúng sanh không biết trở về nguồn nên chỉ biết chạy theo danh và tướng, do đó vọng tưởng khởi lên và tạo ra muôn nghiệp. Vì vậy mê là mê cái bản tâm, và ngộ chỉ là ngộ cái bản tâm.

Vì Chân Tâm thì ai cũng có cho nên nói không phải tu mà được, cũng có nghĩa là không có thứ lớp. Tuy vậy vì chúng sanh quá si mê nên phải nói có nhiều pháp tu. Vọng tưởng nói đây là tâm phân biệt tốt và xấu, đúng và sai, phàm và thánh; vọng tưởng là những ý nghĩ hai bên, tạo ra những kiến chấp và coi đó là thật. Vì vậy thay vì lo diệt vọng thì chỉ cần thấy bản chất của chúng là không. Tu là buông xả những thói quen tạo mọi thành kiến và để cho cái bản thể tự biểu hiện.

Câu mà Mã Tổ thường chỉ rõ pháp tu đó là : “Tâm bình thường là Đạo”. Tâm bình thường là tâm không chấp những điều như là tốt và xấu, đúng và sai, thường và vô thường, phàm và thánh; đó là cái tâm không chấp, cũng không xả. Câu chuyện sau đây giữa Nam Tuyền (747-834) và Triệu Châu (778-897) chỉ rõ về nghĩa “Tâm bình thường”:

Triệu Châu hỏi Nam Tuyền: “Thế nào là đạo?”

Nam Tuyền đáp: “Tâm bình thường là đạo”

– Lại có thể nhằm tiến đến chăng?

– Nghĩ nhằm tiến đến là trái.

– Khi chẳng nghĩ làm sao biết là đạo?

– Đạo chẳng thuộc biết và chẳng biết, biết là vọng giác, không biết là vô ký. Nếu thật đạt đạo thì chẳng nghi, ví như hư không, thênh thang rỗng rang, đâu thể gắng nói phải quấy?

(trích từ Trung Hoa chư thiền đức hành trạng, của H.T. Thích Thanh Từ)


Pháp môn của Mã Tổ được coi thuộc truyền thống “đốn ngộ”, tức là khác với “tiệm ngộ”. Nhưng trong khi công việc tu tập hàng ngày thì vẫn phải có sự giảng giải, chỉ dẫn nên không sao tránh khỏi việc dẫn dắt đệ tử từng bước. Các tài liệu không ghi rõ sự hướng dẫn tu tập ra sao nhưng theo các ngữ lục của các đệ tử thời sau này thì vẫn có sự thờ phụng, tụng kinh, học hỏi, giới luật và ngồi thiền. Chỉ sau khi các đệ tử đã có trình độ căn bản thì mới áp dụng pháp chỉ thẳng của Thiền tông. Trong ngữ lục của Mã Tổ cũng có nói tới các kinh điển như Lăng Già, Duy Ma Cật, Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa … Các thiền sư chỉ nhấn mạnh đến việc đừng quá chấp chặt vào kinh điển rồi có những quan điểm sai lạc mà rất thịnh hành ở nhà Đường thời đó.

Theo: Thien Phat Giao.org


Tin liên quan: Thiền sư (tag: Thiền sư)

Thiền sư Mã Tổ – Ðạo Nhất