Kim Cao Image
2019-07-17 05:41:47

Đi tìm sự thật về "thần dược" Flavonoid: Chữa nhiều loại ung thư, kể cả giai đoạn cuối?


Lời đồn về thực phẩm chức năng “thần dược” chứa các chất Flavonoid chữa ung thư liệu có là sự thật hay chỉ là thổi phồng của 1 số đối tượng nhằm trục lợi?


Đi tìm "thần dược" chữa ung thư Flavonoid

Trước tiên xin giải thích sơ qua về "thần dược Flavonoid": Flavonoid là nhóm các hợp chất thứ cấp từ thực vật có trong nhiều loại trái cây, rau và một số loại hạt. Hiện nay có hơn 6.000 hợp chất flavonoid đã được xác định.

Vì là những hợp chất chống oxy hóa tiềm năng nên flavonoid được chú ý nhiều trong nghiên cứu nhằm ứng dụng trong phòng ngừa bệnh tật.

Dựa vào cấu trúc hóa học, flavonoid được phân loại thành 6 nhóm: flavones, isoflavones, flavonol, flavanones, anthocyanidins và flavan-3-ols

Bảng dưới đây liệt kê các phân lớp và nguồn thực phẩm chứa flavonoid:



Flavonoid có phải là ‘thần dược"?

1. Chống oxy hóa: là một hoạt tính chính của hầu hết các flavonoid. Khả năng chống oxy hóa tùy thuộc vào sự sắp xếp các nhóm chức trong công thức cấu tạo nên các flavonoid.

Cơ chế hoạt động chống oxy hóa gồm có:

• Ức chế sự hình thành các chất chứa oxy hoạt động (Reactive Oxygen Species- ROS).

• Kích hoạt các enzyme chống oxy hóa hay giảm thiểu stress oxy hóa trên tế bào do nitric oxit gây ra.

• Giảm các gốc α-tocopheryl, ức chế các oxydase và làm tăng đặc tính chống oxy hóa của các chất chống oxy hóa khác.



2. Kháng khuẩn: Các nghiên cứu khác nhau cho thấy các chất chiết xuất từ thực vật giàu flavonoid có hoạt tính kháng khuẩn. Ví dụ như: Apigenin, galangin, flavone, flavonol glycoside, isoflavone, flavanones và chalcones đã được chứng minh là có hoạt tính kháng khuẩn mạnh mẽ.

3. Kháng viêm: Viêm là một phản ứng sinh học phức tạp của cơ thể đối với các kích thích có hại, chẳng hạn như nhiễm mầm bệnh, tế bào bị hư hỏng, tổn thương mô và kích ứng hóa học. Nhiều nghiên cứu trong phòng thí nghiệm (in vitro) cho thấy nhiều loại flavonoid có khả năng kháng viêm.

Vậy Flavonoid có vị trí ra sao trong phòng ngừa và điều trị ung thư?

Nhiều nghiên cứu trong phòng thí nghiệm (in vitro) cho thấy các loại flavonoid có khả năng ức chế một số loại tế bào ung thư như ung thư vú, ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đại trực tràng, ung thư máu; một số nghiên cứu trên chuột cũng cho thấy một vài hợp chất flavonoid có thể ức chế khối u.

Tuy nhiên cần lưu ý đây là những kết quả trong nghiên cứu in vitro, là các tế bào được nuôi cấy, và các nghiên cứu trên mô hình chuột chứ không phải trên cơ thể người.

Hiện tại, các nghiên cứu lâm sàng ung thư về các flavonoid và các phân lớp cho việc điều trị ung thư còn rất hạn chế và nhiều nghiên cứu chưa có kết quả chính thức:

Nghiên cứu lâm sàng pha II sử dụng flavone acetic acid không có hiệu quả trên các bệnh nhân ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư da, ung thư đầu và cổ.



Flavopiridol (còn gọi là alvocidib) là flavonoid tổng hợp thuộc phân lớp flavone, là chất ức chế CDK, đang được thử nghiệm lâm sàng pha I, II, được sử dụng đơn lẻ hay kết hợp với một số thuốc hóa trị như paclitaxel, docetaxel cho một số loại ung thư như ung thư bạch cầu cấp tính, ung thư da melanoma, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư thận và một số loại ung thư khác. Nó vẫn chưa có kết quả chính thức.

Nghiên cứu lâm sàng pha I/II sử dụng genistein đang được tiến hành giai đoạn đầu để chữa ung thư đại trực tràng, ung thư tụy, ung thư bàng quang.

Trong các nghiên cứu này, genistein có thể sử dụng đơn lẻ hay kết hợp với các thuốc khác. Một số nghiên cứu lâm sàng pha I và pha II sử dụng genistein đã hoàn thành nhưng không có hiệu quả rõ rệt và không tiếp tục nghiên cứu, hay chưa có công bố kết quả chính thức. Một số nghiên cứu được đưa ra nhưng bị thu hồi.

Quercetin (hợp chất chứa Flavonoid thường gặp trong hành tây, rượu vang đỏ, cải xoăn, dầu ô liu, bông cải xanh, táo, anh đào, quả mọng, bưởi và trà) đã được tiến hành thử nghiệm lâm sàng bước đầu trên đối tượng ung thư đại trực tràng và tuyến tiền liệt, tuy nhiên chưa có kết quả được công bố.

Quercetin đã được sử dụng một cách an toàn với số lượng 500 mg hai lần mỗi ngày trong 12 tuần. Tuy nhiên nếu sử dụng lâu dài hoặc liều cao hơn thì độ an toàn chưa được xác định. Khi uống, Quercetin có thể gây đau đầu và ngứa ở tay, chân. Liều cao có thể gây tổn thương thận.

Đặc biệt lưu ý: hiện tại, chưa có hợp chất flavonoid nào được sử dụng làm thuốc chữa ung thư được FDA cấp phép.

Thế ở trong phạm vi nghiên cứu dịch tễ số lượng lớn thì sao?

Theo: ruybangtim.com (Ruy băng TÍM)