Kim Cao Image
2019-02-10 04:35:56

VN: Nhà nghiên cứu tôn giáo Nguyễn Quốc Tuấn qua đời


Nhà nghiên cứu tôn giáo học và Phật giáo của Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Tuấn, qua đời ở Hà Nội hôm 08/2/2019.


Cáo phó được gia đình nhà nghiên cứu đưa ra hôm Chủ Nhật 10/2 cho hay nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam qua đời ở tuổi 63 sau một thời gian tranh đấu chống lại trọng bệnh.

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Tuấn được ghi nhận là một nhà nghiên cứu có đóng góp trong các lĩnh vực về nghiên cứu Phật giáo và có giúp đẩy mạnh việc nghiên cứu lý luận trong một bộ môn khoa học được cho là non trẻ của Việt Nam trong thời gian ông làm lãnh đạo Viện Nghiên cứu Tôn giáo.

Ông Tuấn cũng được biết đến là con trai duy nhất của cố học giả Nguyễn Kiến Giang, nhà lý luận từng bị ban lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam bỏ tù 6 năm và quản chế 3 năm trong vụ án 'Xét lại chống Đảng' gây tranh cãi ở Việt Nam ở nửa sau thế kỷ trước.

Tiến sỹ Tuấn là Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia và nguyên Trưởng khoa Tôn giáo học, Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Phát biểu cảm tưởng cùng ngày, hôm Chủ Nhật, về cố đồng nghiệp của mình, Giáo sư Đỗ Quang Hưng, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, người tiền nhiệm của Tiến sỹ Tuấn, nói với BBC Tiếng Việt:

"Tôi nghĩ rằng tôi cũng rất đột ngột, mặc dù cũng có gắn bó và theo dõi thông tin, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Tuấn mất, tôi nghĩ rằng đã là những người đồng nghiệp, thì bao giờ cũng có những cảm giác hẫng hụt và những cảm giác khó tả trước những mất mát của những người đồng nghiệp.

"Riêng trong trường hợp này, trong nghề của chúng tôi, nó là một ngành non trẻ, ngành Tôn giáo học còn non trẻ, cho nên anh Nguyễn Quốc Tuấn cũng như một số đồng nghiệp khác của chúng tôi, đội ngũ còn rất mỏng.

"Cho nên khi nghe thông tin này, tất nhiên tôi gần như không biết nói một điều gì hơn, ngoài cái có thể nói nếu mà 'sốc' thì cũng có thể nói được và cũng có những nỗi buồn rất sâu sắc khi đội ngũ của mình vốn trên đường xây dựng còn non trẻ, lại có một đồng nghiệp như thế mà đã ra đi."



Bình luận về đóng góp chuyên môn quan trọng nhất để lại của Tiến sỹ Nguyễn Quốc Tuấn, Giáo sư Đỗ Quang Hưng nói:

"Trong ấn tượng của tôi mà là trong cả một quá trình, thì điều quan trọng nhất, thì anh Nguyễn Quốc Tuấn, tôi cho là một trong những chuyên gia có năng lực và có đóng góp nhất định nhưng rất đáng quý, đó là nghiên cứu về Phật giáo.

"Đó là cái mà tôi nghĩ anh đã đau đáu trong rất nhiều năm, từ khi anh làm Trưởng phòng Nghiên cứu Phật giáo cho đến khi anh làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo.

"Một điểm thứ hai mà tôi cũng ghi nhận. Anh Tuấn in không nhiều, số lượng sách vở in ấn của anh không nhiều, nhưng cũng thể hiện một cái là muốn tìm tòi, anh cũng có những nỗ lực. Đặc biệt là trong những năm cuối nhiệm kỳ Viện trưởng ở Viện Nghiên cứu Tôn giáo, thì anh cũng muốn góp phần để thúc đẩy.

"Tức là làm sao để có thể tăng cường mảng về lý luận về tôn giáo học cho tốt. Vì đây cũng là một trong những lĩnh vực mà ngành nghiên cứu tôn giáo ở Việt Nam nói chung và nói riêng ở Viện chúng tôi, tôi nói Viện chúng tôi tức là tôi vẫn nghĩ trong đáy sâu của mình như một thành viên của Viện, thì anh Tuấn có những đóng góp như vậy.

"Tất nhiên, tôi rất tiếc cuộc đời như vậy, cũng là tiếp tục những sự nghiệp trước đây của Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn là người đi trước đầu tiên, sáng lập ra Viện, rồi đến thế hệ tôi.

"Rồi sau đó cũng có những vị khác nữa như là Phó Giáo sư Nguyễn Hồng Dương và tiếp nối đó là anh Nguyễn Quốc Tuấn. Thì điểm mà đẩy nghiên cứu có tính lý luận này cũng là một nét cũng đáng nhớ!," Giáo sư Đỗ Quang Hưng nói với Quốc Phương của BBC Tiếng Việt.

'Thua số phận, nhưng đầy tự hào'



Cũng hôm Chủ Nhật 10/2, chia sẻ với BBC Việt ngữ qua bút đàm, bà Nguyễn Thị Bích Hằng, quả phụ của nhà nghiên cứu vừa qua đời viết:

"Tôi và gia đình đã cùng chồng tôi chiến đấu mãnh liệt với bệnh tật trong hơn một năm qua và đã thua số phận một cách bi thương nhưng đầy tự hào...

"Chồng tôi có phước lớn lắm mới nhận được biết bao nhiêu tình yêu của gia đình và bè bạn học trò như vậy. Và Anh ra đi cũng rất nhẹ nhàng nữa. Tôi thấy được an ủi phần nào."

Trên trang Facebook cá nhân của mình, nhà nghiên cứu và phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, một người bạn của Tiến sỹ Tuấn, nêu cảm tưởng:



"Buồn quá! Tuổi Đinh Dậu, năm nay Tuấn mới đang trong lục thập, còn nhiều năng lượng và nhiệt huyết. Với Tuấn tôi chỉ nói hai chữ: khí phách. Khí phách của một trí thức, một nhà khoa học, một công dân.

"Điều này Tuấn được thừa hưởng từ ba mình- nhà hoạt động chính trị và nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Kiến Giang. Cái biệt danh "Khuỳnh" có từ thời sinh viên đã nói lên khí phách đó của Tuấn từ sớm. Thôi, Tuấn đi. Thể phách thì tan, nhưng cái "khuỳnh" thì để lại."

Một đồng nghiệp lớp sau, Tiến sỹ Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, viết trên Facebook:

"Anh là học trò cưng của thầy Trần Quốc Vượng. Khi tôi được thầy Vượng nhận làm học trò, thì đã thấy anh Nguyễn Quốc Tuấn (Tuấn Khuỳnh) và anh Nguyễn Hồng Kiên (Kiên Gốc Sậy) luôn ở bên thầy như 2 vị "tả phù hữu bật" của thầy...

"Vĩnh biệt anh Tuấn Khuỳnh, người anh, người bạn đồng môn, đồng sư với tôi. Anh yên nghỉ nhé. Mọi người vẫn luôn nhớ về anh, cho dù anh có đi xa tới đâu."

Trong một lần trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Tuấn nêu quan điểm về việc có nên sử dụng tên gọi 'tà giáo' hay 'tà đạo' như nhiều trường hợp báo chí, truyền thông Việt Nam vẫn sử dụng khi đề cập đến một số hiện tượng tôn giáo 'gây tranh cãi' hoặc chú ý ở trong nước.

Ông nói: "Có thể nói những tên gọi mà giới nghiên cứu, đặc biệt là cá nhân tôi, tôi rất là không đồng tình, không đồng ý với cách gọi là 'tà đạo', 'tà giáo', và chúng tôi gọi một cách chung tính thôi: đó là những nhóm tôn giáo mới, những hiện tượng tôn giáo mới.

"Khi chúng ta sử dụng [tên gọi] 'những tôn giáo mới', nó có một nội hàm tương thích với cách gọi của quốc tế về phong trào tôn giáo mới, hay là những vận động tôn giáo mới mà có thể nói là nảy sinh chủ yếu trong thế kỷ 20 trở lại đây thôi.

"Có thể nói cách gọi trong rất nhiều diễn đàn khác nhau, chúng tôi - giới nghiên cứu - đề nghị là không nên sử dụng 'tà đạo', rồi 'tà giáo', bởi vì lấy cái gì để gọi là 'tà đạo, tà giáo'? Vì trong ngôn ngữ của pháp luật cũng không bao giờ có danh xưng ấy được ghi nhận trong pháp luật cả.

"Thành ra ở đây theo tôi là một lối gọi khẩu ngữ của một số người mà thấy bức xúc đối với câu chuyện này. Họ cho là 'tà' thôi. Nhưng theo tôi niềm tin tôn giáo trong bối cảnh hiện nay cần phải được coi trọng, cần phải được tôn trọng.

"Và bây giờ chúng ta không thể sử dụng khái niệm 'tà'. Chữ 'tà' ở đây theo tôi là một dạng kỳ thị và là một dạng có thể nói là nếu nó trở thành ra chính thức, thì nó chính là sự vi phạm quyền cơ bản của con người."

Theo: BBC